Nhổ răng khi nào, có nguy hiểm không?

Với những tiến bộ trong công nghệ nha khoa, các răng hư được giữ lại và bảo tồn ngày càng nhiều, các chỉ định nhổ răng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn phải thực hiện việc nhổ răng đối với những răng không thể giữ lại được như: răng sâu quá lớn chỉ còn lại chân, răng lung lay do bệnh nha chu, răng khôn mọc kẹt, mọc lệch gây tai biến, hoặc cần nhổ bớt răng để điều trị chỉnh hình...

alt

Bộ dụng cụ nhổ răng

Vậy nếu vệ sinh răng miệng tốt thì có thể giữ lại những chân răng này trong miệng không? Thật ra chính những chân răng này gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng, dễ tích tụ thức ăn, mảng bám và vôi răng, gây hôi miệng làm hạn chế giao tiếp xã hội. Nặng hơn có thể đưa đến ápxe xương ổ răng, đây là dạng nhiễm trùng cấp tính có biểu hiện bên ngoài là sưng đỏ, rất đau vùng niêm mạc và nướu quanh chân răng.

alt

Đôi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô lân cận gây sưng rất lớn ở vùng môi, má kèm theo sốt, đau nhức - trong chuyên môn gọi là viêm mô tế bào. Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mô tế bào là nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Việc nhổ bỏ các chân răng thường không phức tạp như nhiều người thường nghĩ, bác sĩ sẽ khám xem có cần thiết phải chụp X-quang, có thể cần thực hiện một số xét nghiệm trước khi nhổ. Hiện nay, với sự phát triển của nhiều loại thuốc tê rất hiệu quả, sau khi gây tê sẽ không có cảm giác đau tại vùng răng cần nhổ, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ thích hợp để nhổ bỏ chân răng nhiễm trùng, nạo sạch các mô bệnh lý ở vùng quanh chóp.

Sau khi nhổ, bệnh nhân chỉ cần cắn gòn chặt tại chỗ nhổ trong 30 phút đến 1 giờ để cầm máu, dùng thuốc theo toa của bác sĩ nếu cần thiết.

(Theo PGS. TS Lê Đức Lánh - Đại học Y Dược)

 

Những Điều Cần Biết khi nhổ răng tiểu phẫu:

 

1. Nhổ răng có đau không?

-         Thông thường, nhổ răng không đau vì đã được gây tê. Tùy theo cơ địa của mỗi người, khi hết thuốc tê có thể hơi đau hoặc khó chịu. Một vài trường hợp có thể bị sưng. Vì vậy bạn nên tuân tủ theo hướng dẫn của Nha sĩ (uống thuốc theo toa, chườm lạnh...).

-         Lời khuyên sau nhổ răng:

§         Cắn chặt gòn cắn.

§         Ăn thức ăn mềm và uống nhiều nước.

§         Súc miệng bằng nước sát trùng và vệ sinh răng miệng kỹ.

§         Dùng thuốc theo toa của Bác sĩ.

§         Cần chườm lạnh sau phẫu thuật để giảm sưng

 

2. Nhổ răng tốt nhất vào buổi nào?

Tốt nhất, nên nhổ răng sau khi ăn sáng no và đêm hôm trước đã nghĩ ngơi tốt, như vậy tiện lợi cho việc theo dõi chảy máu trong ngày dễ dàng quay lại phòng khám để xử lí. Tối hôm trước khi nhổ răng nên ngủ sớm, không sử dụng chất kích thích ( rượu , bia...).

 

3. Có phải tất cả răng khôn đều cần nhổ?

Chỉ cần nhổ những răng khôn mọc lệch lạc không có chức năng ăn nhai dễ gây ra viêm nướu, nhiễm trùng, sâu răng cho răng kế cận.

 

4. Nên ăn thức ăn gì sau khi nhổ răng?

Sau khi nhổ răng,ngày hôm đó nên ăn những thức ăn bổ dưỡng mềm và nguội, sau đó ăn uống bình thường nhưng tránh nhai phía vết thương trong vài ngày.

5. Nhổ răng hàm có làm mặt hóp vào không?

Sau khi nhổ răng, xương ổ răng cũng sẽ tiêu dần theo thời gian vì vậy nếu nhổ quá nhiều răng hàm sẽ ảnh hưởng đến xương hàm mặt do tiêu xương lâu ngày làm mặt hóp.

 

6. nhổ răng có ảnh hưởng đến dây thần kinh không?

Nhổ Răng thường không làm ảnh hưởng đến dây thần kinh, những răng trong của hàm trên bị nhiễm trùng nặng có thể gây viêm xoang hoặc đôi khi răng khôn mọc lệch, lạc sát ống thần kinh răng dưới gây chèn ép dây thần kinh lúc nhổ có thể có dấu hiệu hơi tê môi dưới.

 

7. Bệnh cao huyết áp, tiểu đường có nhổ răng được không?

Người bị tiểu đường khi răng bị đau không thể giữ lại được cũng phải nhổ như người bình thường. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường là dễ bị nhiễm trùng cơ hội, vết thương cũng lâu lành do lượng đường trong máu cao. Nếu mức đường huyết duy trì trong khoảng 7-10mmol/lít thì có thể đi nhổ răng ngay. Nếu đường huyết cao hơn thì phải điều trị tích cực để giảm xuống dưới 10mmol/lít rồi mới nhổ. Khi nhổ răng phải đến những cơ sở nha khoa tin cậy, không được tự ý nhổ răng hay nhờ những ông lang vườn vì phải đề phòng cẩn thận những biến chứng có thể xảy ra.